How to prevent 'Burnout'?

 

Làm sao để nhận diện và đối phó với tình trạng BURN OUT? Làm thế nào để là một người lãnh đạo, chúng ta vượt qua được và cùng đội nhóm mình vượt qua tình trạng này? Webinar “BURN NOT OUT” với sự tham gia của hơn 300 nhân sự quản lý tại Seedcom đã cùng thảo luận xoay quanh các nhóm nội dung chính về cách nhận biết và cách xử lý tình trạng này.

 

 

Kháo sát của Qualtrics Asia 2021 với 6000 người tham gia từ Nhật, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Hongkong, Úc, Hàn Quốc cho thấy, có hơn 48% nhân viên có kế hoạch tìm việc mới trong vòng 12 tháng. Vì sao? Gần 29% Lo ngại về an toàn sức khỏe. Đào sâu hơn, tỉ lệ nhân viên có những cảm xúc tức giận chiếm gần 31%, 12% cảm thấy thờ ơ, 12% cảm thấy lẫn lộn… Cũng ngay sau Covid, Khảo sát 9000 nhân viên của Accenture 2021 toàn cầu bao gồm Singapore, Trung Quốc và Nhật cho thấy gần 83% cho rằng hybrid, nhu cầu làm việc đan xen giữa văn phòng và nhà sẽ phổ biến trong tương lai. Khảo sát tại Việt Nam, Vnexpress cũng ghi nhận 1,3 triệu lao động chọn trở về quê nhà dưới ảnh hưởng của dịch.

Những con số trên không chỉ thể hiện sức ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch Covid19 với tình hình kinh tế mà còn là sức khỏe tinh thần của hàng triệu lao động trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụm từ “Burn out” nếu ngày xưa chỉ được bàn luận trong các nghiên cứu tâm lý lao động thì nay đã được nhắc nhiều tại các cuộc họp ở văn phòng làm việc và có hơn 3,740,000,000 kết quả tìm kiếm tại Google cùng xu hướng tăng lượt tìm kiếm tại Việt Nam từ tháng 4/2021.

"Burn Out" là một trạng thái…không phải bệnh lý

Cảm giác 'sức tàn lực kiệt' ở chỗ làm, mất hết hứng thú với công việc là những triệu chứng của hội chứng cháy sạch (burnout syndrome). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây mới chỉ là một tình trạng liên quan đến nghề nghiệp, chứ chưa phải là bệnh lý.

Chúng ta sẽ nhận biết được Burn out khi cảm thấy:

  • Kiệt sức: luôn thấy mình trong tình trạng quá tải thiếu thời gian ít năng lượng.
  • Cảm giác thờ ơ, thiếu sự đồng cảm: Không có nhu cầu muốn biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, tiếp tục làm những điều đang làm một cách vô thức
  • Thỏa hiệp với chất lượng công việc hiện tại: chấp nhận sự trung bình, không muốn cố gắng và thúc đẩy bản thân tiến bộ.

Ngoài ra, có một cách khác giúp nhận biết tình trạng kiệt sức nơi làm việc ở 3 phương diện thân – tâm - trí.

  • Thân: Burn out là trạng thái mà mỗi ngày khi chúng ta đi làm về, chúng ta không còn sức để làm gì hết, kể cả những việc mình từng yêu thích. Ví dụ như bạn từng thích nấu cơm, chơi với con… nay bạn không muốn làm gì hết, không ai can thiệp đến bạn.
  • Tâm: Điều gì khiến bạn vui nay có còn cho bạn cảm giác tò mò hứng khởi, bạn còn có nhu cầu chia sẻ, nói chuyện với bạn bè không?
  • Trí: Bạn còn muốn chia sẻ thêm, muốn góp thêm giá trị nào không, nếu không, đó có thể là dấu hiệu. 

Những điều này nếu chỉ trong ngắn hạn hoặc chỉ bắt đầu vào đầu tuần thì là nhất thời, nhưng một trong ba biểu hiện này được lặp lại nhiều lần từ 2-3 tuần hoặc hằng tháng thì có khả năng đó là "dấu hiệu”.

Độ tuổi 30 với rất nhiều năng lượng để có thể đốt cháy, nhưng hãy kiểm soát việc “cháy sạch – out”. Bạn có thể burn nhưng hãy chú ý để nhận diện sớm trước khi mọi thứ không còn kiểm soát.

 

Ở góc độ quản trị, người quản lý đôi khi không nhận ra tình trạng Burn Out đang diễn ra và ảnh hưởng ít nhiều đến nội bộ. Anh Ngô Nguyên Kha chia sẻ: “Đây là vấn đề có thật trong nội bộ, không chỉ được nói trong các bài báo, nghiên cứu mà nó có thể diễn ra trong thực tế. Đặc biệt trong đợt dịch vừa qua, Bản thân team Seedcom Fashion có sự nhận diện và giúp đỡ lẫn nhau – nâng đỡ cho nhau để giúp đồng nghiệp nhận diện tình trạng này. Đôi lần, chính anh rơi vào tình trạng một câu nói của mình khiến nhiều bạn “mất ngủ cả team”. Đôi khi mình không để ý những điều mình quyết sẽ tạo nên sức ép lên rất nhiều đồng nghiệp…Anh cũng phải cảm ơn những tin nhắn của các bạn trong công ty đã kịp thời quan tâm nhau, giúp đỡ nhau nhận ra vấn đề”.

Chị Trinh – GHN cho biết: “Dù là đơn vị “dễ kiếm tiền trong đợt dịch” – nhưng Giao Hàng Nhanh cũng gặp các vấn đề khủng hoảng và rớt tinh thần khủng khiếp vì các sự cố kho hàng có ca F0, lock down và bị cấm vận. Sản lượng rớt chỉ còn 8% dù anh em vẫn quyết tâm chấp nhận sống cùng dịch bệnh. Ở góc độ người quản lý, khó để biểu hiện mình có tình trạng burn out. Nhưng là lãnh đạo, họ phớt lờ tình trạng này của chính mình xuất phát từ nỗi sợ. “Sợ ĐÓI – Sợ Anh em của mình ĐÓI” – Đó có lẽ là lý do để nhiều lãnh đạo vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn”.

Đôi khi, không chỉ nhân viên kiệt sức – người quản lý cũng phải chịu những áp lực kinh khủng, đè nặng và “cháy sạch”. Nhưng ở tình huống sống còn, không ai nhận ra. Và bản thân họ cũng không nhận ra mình đang gián tiếp khiến anh em và chính mình “cạn kiệt”.

Cách để sống cùng “Burn out”

Nhìn mục tiêu chung và đồng đội

Giao Hàng Nhanh đã vực dậy bằng tinh thần và mục tiêu chung “cứu số”. Ngay trong thời điểm khó khăn, những “chiến binh thép” –không sợ “chết” và lao ra đường, vươn lên cứu số ngay khi mở cửa trở lại. Và với tinh thần “Chớ than phận khó ai ơi, Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” – đã đốt thêm lửa cho các bạn bật trở lại. Với GHN, “số” trở thành ngôi sao hi vọng để bơm tinh thần cho anh em hồi phục. “Resident Evil” – chiến lược được Seedcom chia sẻ trong các công ty thành viên để giữ cash và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đã giúp GHN giữ được mình không bị “OUT” trong đại dịch và giữ được người và quản lý được các nhân sự thay phiên nhau làm việc lúc khó khăn.

 

Nghĩ về mục đích cuộc đời mình

Covid giúp và “ép” mọi người sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình khá nhiều. Đi làm là một trong các bước để phục vụ cho “mission” của cuộc đời mình. Câu hỏi “sứ mệnh của cuộc đời mình” sẽ giúp mình đưa ra các lựa chọn thực sự quan trọng, thậm chí bác bỏ sức nặng của kinh tế và mục tiêu công ty. Cho rằng “đam mê không phải là thứ khiến bạn đi làm. Đam mê có thể thay đổi nay thứ mày mai thứ khác, thậm chí trong hoàn cảnh đại dịch, đam mê đôi khi là thứ không thể thực hiện được. Sứ mệnh là thứ giúp định hướng chúng ta làm mọi điều trong cuộc sống, kể cả chọn công việc, chọn cách làm việc và nỗ lực vượt qua khó khăn.” – Anh Nguyễn Hoàng Tiến chia sẻ thêm.

 

Đối mặt với các chọn lựa

Tình trạng nhiều nhân viên đứng giữa ngã ba đường giữa các lựa chọn đi làm kiếm tiền hay bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của gia đình. Covid là phép thử để nhiều người đánh giá được sự tự chủ của bản thân đến đâu khi phải lựa chọn “an toàn” hay “tiếp tục lao ra”, thậm chí là “nỗ lực cháy hết mình vì điều đó liệu có xứng đáng không?”. Nhìn nhận “Tiền” như một phương tiện và động lực, đặt lên bàn cân những lựa chọn bản lề giữa kinh tế hay an toàn, giữa trách nhiệm với chính mình hay trách nhiệm với người khác, với cộng đồng (góp phần tạo miễn dịch). Quyết định có thể dẫn đến tình trạng burn out nhưng đây là một câu hỏi mà mỗi người đều phải tự tìm câu trả lời cho chính mình và quyết định cho bản thân.

Đừng trao cho ai đó quyền làm chủ cuộc đời bạn

Ngẫm nghĩ, không ai bắt bạn làm điều này điều kia. Bạn hoàn toàn có quyền quyết định về cuộc đời mình. Có thể những quyết định của bạn đến từ việc bạn nghĩ cho người khác, nhưng bạn có sự tự do để ra quyết định cho chính mình. Thời điểm Covid, bạn sẽ nghĩ đến trách nhiệm của bạn với gia đình, nhưng cũng là lúc phải nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng.

Chia nhỏ và nhìn gần

Sẽ khó nói chuyện “Burn out” khi gần như thời điểm này ai cũng phải gồng mình sống và làm việc với rất nhiều khó khăn về kết nối và nỗi sợ bệnh tật. Tuy vậy, bạn vẫn có thể giúp chính mình bằng cách nhận diện, nói ra vấn đề của mình và giữ năng lượng của chính mình, đóng gói bằng  “ngày”. Mỗi ngày tìm được một điều tích cực, thành công “ngắt được một dòng suy nghĩ tiêu cực”, thành công “đứng 30p rời khỏi bàn làm việc”…

 

Ngắt dòng suy nghĩ tiêu cực

Ai cũng có những sức ép nhất định và có những cách ứng phó với sức ép khác nhau. Nhưng sẽ rất tồi tệ nếu chúng ta duy trì các luồng suy nghĩ tiêu cực quá lâu. Chọn lựa những cách khác nhau để “ngắt dòng suy nghĩ tiêu cực”, ví dụ như tập Yoga, bơi, đứng dậy ra ngoài, hoặc tìm một người nói chuyện.

Biết ơn và cảm ơn

Thường xuyên chia sẻ lòng biết ơn của bạn với đồng nghiệp, đội nhóm, biết ơn các cơ hội và thử thách đã đến với mình để nuôi dưỡng nguồn năng lượng tích cực. Đôi khi, một lời cảm ơn, ghi nhận của bạn cũng giúp “sếp” bớt căng thẳng hoặc nhân viên có một giấc ngủ ngon.

Kết nối những thứ mình có thể kiểm soát được với sứ mệnh cuộc đời mình.

Đối mặt với các áp lực, khó khăn, hãy suy nghĩ về sứ mệnh của mình. Điều này có giúp bạn tiến gần hơn sứ mệnh cuộc đời không. Một ví dụ như nếu sứ mệnh của đời bạn là học hỏi, thì những thách thức trong việc giải quyết sự tồn vong của doanh nghiệp/dự án hoặc giải quyết mâu thuẫn nội bộ, sự bất mãn của anh em sẽ giúp bạn học được bài học lớn gì…

 

Tìm đến những người có hiểu biết về vấn đề

Có thể với nhiều người, Burn out không quan trọng, nhưng người khác thì nắm rõ về nó và có thể giải thích một cách logic, rõ ràng. Lắng nghe chia sẻ từ người nhận biết được vấn đề và hiểu rõ nó với một tinh thần cầu thị, học hỏi giúp bạn biết đến một điều mới, có thêm kiến thức và mở rộng tầm hiểu biết của chính mình.

3C (Calm – Connect – Commit)

Trong bối cảnh làm việc hỗn hợp Hybrid, sự kết nối vật lý mất đi, khó để giúp bạn nhìn ra vấn đề của mình. Thiết lập cho mình một thời khóa biểu chặt chẽ, cố gắng duy trì và kết nối với những người bạn mới và nỗ lực hoàn thiện các cam kết kể cả trong công việc và cuộc sống như ra ngoài đi bộ, ăn tối với gia đình...là những cách để bạn tiếp tục duy trì nguồn năng lượng để cháy trên chặng đường dài.

Xem lại buổi thảo luận tại đây

Tổng hợp

Seedcom Communication

 

  

How to prevent 'Burnout'?